Khi mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng ngày càng trầm trọng, không khí gia đình ngày càng ngột ngạt, mục đích của hôn nhân không đạt thì vợ, chồng đều có quyền yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn theo quy định tại Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vợ hoặc chồng muốn uỷ quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng trong việc ly hôn thì có được hay không? Luật Nguyễn Cảnh sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc dưới đây.
1)Uỷ quyền là gì?
Ủy quyền là việc một người chuyển quyền cho người khác thay mình thực hiện một hoặc một số công việc theo nội dung mà các bên đã thỏa thuận và được thực hiện trong một thời hạn nhất định, thông thường là đến khi công việc được hoàn thành.
Hiện nay, việc ủy quyền được đề cập khá nhiều. Ủy quyền có thể dưới nhiều hình thức: uỷ quyền bằng lời nói hoặc uỷ quyền bằng văn bản. Hình thức phổ biến nhất hiện nay là ủy quyền bằng văn bản, có thể chia thành hai loại: Giấy ủy quyển và hợp đồng ủy quyền. Theo đó Điều 562 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng ủy quyền như sau:
“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Mặc dù hiện nay tại Điều 562 Bộ luật dân sự năm 2015 chỉ có quy định về hợp đồng ủy quyền nhưng trong thực tế thì hình thức giấy ủy quyền vẫn được sử dụng rộng rãi và được công nhận giá trị pháp lý. Do đó, có thể hiểu giấy ủy quyền hay hợp đồng uỷ quyền đều là văn bản pháp lý trong đó ghi nhận việc người ủy quyền đồng ý để người được ủy quyền thay mình thực hiện một hoặc nhiều công việc trong phạm vi quy định tại giấy ủy quyền hoặc hợp đồng uỷ quyền.
2) Có được uỷ quyền khi ly hôn không?
Việc uỷ quyền cho người khác thay mình giải quyết các công việc là một vấn đề khá phổ biến hiện nay. Việc ủy quyền còn được áp dụng rộng rãi không chỉ trong quan hệ dân sự, mà còn được áp dụng trong các mối quan hệ khác trong xã hội. Tuy nhiên, không phải bất kỳ trường hợp nào cá nhân, tổ chức cũng có thể ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện các thủ tục pháp lý , hôn nhân là một trong số những trường hợp đó. Hôn nhân là quyền nhân thân của mỗi cá nhân theo quy định tại Điều 39 về quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình trong Bộ luật dân sự 2015, do đó đối với việc ly hôn, pháp luật dân sự bắt buộc đương sự phải trực tiếp tham gia thực hiện các thủ tục tố tụng tại Toà án mà không thể ủy quyền cho người khác thực hiện.
Cụ thể theo khoản 4 Điều 85 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 đã có quy định rất rõ ràng:
“Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.”
Khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì cha, mẹ, người thân thích khác là người đại diện cho vợ hoặc chồng yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong trường hợp như sau:
“Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.”
Như vậy, khoản 4 Điều 85 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 đã nêu rõ vợ hoặc chồng không thể ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng trong việc ly hôn. Vợ, chồng muốn giải quyết ly hôn buộc phải tự mình đến Tòa án để giải quyết ly hôn, trừ trường hợp vợ, chồng bị tâm thần hoặc mắc bệnh không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình thì cha, mẹ hoặc người thân thích khác sẽ trở thành người đại diện.