Từ ngày 01/7/2025, Nghị định số 151/2025/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong việc tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã), đồng thời phân định lại thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai, trong đó có thẩm quyền thu hồi đất.
1. Cấp xã trở thành trung tâm thực hiện thu hồi đất
Một trong những thay đổi quan trọng của Nghị định là việc chuyển giao thẩm quyền thu hồi đất từ UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện sang Chủ tịch UBND cấp xã/phường theo Điều 5 Nghị định 151/2025/NĐ-CP, cụ thể như sau, cụ thể như sau:
– Thu hồi đất thuộc trường hợp quy định tạiĐiều 78 và Điều 79 của Luật Đất đai 2024 không phân biệt người sử dụng đất, tổ chức, cá nhân đang quản lý, chiếm hữu đất;
– Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thuộc trường hợp quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Luật Đất đai 2024.
– Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải được thẩm định trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất;
– Phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp không phải bố trí tái định cư;
– Người có đất thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ và đồng ý nhận tiền bồi thường chi phí tạm cư;
– Người có đất thu hồi đã được cơ quan có thẩm quyền giao đất, bàn giao đất trên thực địa để tự xây dựng nhà ở tái định cư;
– Người có đất thu hồi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bàn giao nhà ở tái định cư;
– Người có đất thu hồi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bàn giao đất ở gắn liền với nhà ở tái định cư;
– Người có đất thu hồi đồng ý và đã nhận tiền bồi thường để tự lo chỗ ở;
– Người có đất thu hồi tự nguyện bàn giao đất cho Nhà nước và đã được bố trí tạm cư hoặc được chi trả kinh phí tạm cư.
– Việc tổ chức vận động, thuyết phục được tiến hành trong thời gian 10 ngày và phải được thể hiện bằng văn bản. Quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc vận động, thuyết phục mà người có đất thu hồi vẫn không đồng ý hoặc không phối hợp thực hiện thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất.
– Khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tạiĐiều 78 và Điều 79 của Luật Đất đai 2024 mà phần diện tích còn lại của thửa đất sau khi thu hồi nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về diện tích tối thiểu tại khoản 2 Điều 220 của Luật Đất đai 2024, nếu người sử dụng đất đồng ý thu hồi đất thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, quản lý diện tích đất này theo quy định của pháp luật.
– Ban hành Thông báo thu hồi đất quy định tại điểm a khoản 2 Điều 87 Luật Đất đai 2024;
– Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định tại điểm c khoản 3 Điều 87 Luật Đất đai 2024;
– Phê duyệt phương án cưỡng chế quyết định thu hồi đất và kinh phí cho hoạt động cưỡng chế quy định tại điểm b khoản 5 Điều 89 Luật Đất đai 2024;
– Quyết định thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với từng dự án quy định tại điểm c khoản 2 Điều 86 Luật Đất đai 2024.
2. Các quy định chuyển tiếp rõ ràng, đảm bảo tính liên tục trong quản lý
Để đảm bảo không gián đoạn quản lý hành chính, Nghị định quy định rõ các trường hợp chuyển tiếp tại khoản 3 Điều 22 Nghị định 151/2025/NĐ-CP như sau:
– Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện đã ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của Luật Đất Đai 2024 trước ngày 01 tháng 7 năm 2025 nhưng chưa ban hành quyết định thu hồi đất thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp tục thực hiện các thủ tục theo thẩm quyền quy định của Luật Đất Đai 2024 và Nghị định này đối với phần diện tích trên địa bàn cấp xã;
– Trường hợp đang thực hiện trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất theo quy định tại Điều 87 Luật Đất đai2024 trước ngày 01 tháng 7 năm 2025 nhưng chưa ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp tục thực hiện các bước theo quy định củaLuật Đất Đai 2024 và Nghị định này đối với phần diện tích trên địa bàn cấp xã;
– Trường hợp đã có quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật Đất Đai 2024 trước ngày 01 tháng 7 năm 2025 nhưng chưa tổ chức thực hiện cưỡng chế thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc cưỡng chế theo quy định của Luật Đất Đai 2024 và Nghị định này;
– Trường hợp tổ chức thực hiện định giá đất, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đang thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Đất Đai 2024 rước ngày 01 tháng 7 năm 2025 nhưng chưa kết thúc nhiệm vụ thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Như vậy, việc phân cấp thẩm quyền thu hồi đất về cấp xã theo Nghị định 151/2025/NĐ-CP không chỉ là sự điều chỉnh về mặt tổ chức bộ máy hành chính mà còn thể hiện định hướng đổi mới trong quản lý đất đai, hướng tới sự gần gũi với dân, minh bạch và hiệu quả hơn. Sự thay đổi này kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực thực thi pháp luật ở cơ sở, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, đồng thời tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững tại địa phương.