Sáng ngày 25/6/2025, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, trong đó đáng chú ý là việc loại bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh. Đây là một dấu mốc quan trọng thể hiện xu hướng tiến bộ và nhân đạo trong chính sách hình sự quốc gia, đồng thời phù hợp hơn với các cam kết quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
Theo nội dung được thông qua, hình phạt tử hình đã được bãi bỏ đối với 8 tội, chủ yếu là các tội danh không liên quan trực tiếp đến hành vi xâm phạm tính mạng con người. Cụ thể, gồm các tội: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194); Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421); Gián điệp (Điều 110); Tham ô tài sản (Điều 353) ; Nhận hối lộ (Điều 354).
Riêng đối với Tội tham ô tài sản và Tội nhận hối lộ, sau khi bỏ hình phạt tử hình, nhằm bảo đảm thu hồi tài sản do phạm tội mà có, đồng thời khuyến khích người phạm tội tích cực khai báo trong quá trình giải quyết vụ án, luật đã sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 63 theo hướng: “Người bị kết án tù chung thân về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ chỉ có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Như vậy, sau khi bỏ 8 tội danh không tử hình thì Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi 2025 chỉ còn 10 tội có hình phạt tử hình là những tội: Tội phản bội Tổ quốc (Điều 108); Tội bạo loạn ( Điều 112); Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113); Tội giết người (Điều 123); Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Tội sản xuất trái phép chất ma túy ( Điều 248); Tội tàng trữ trái phép chất ma túy ( Điêu 249); Tội mua bán trái phép chất ma túy ( Điều 251); Tội khủng bố (Điều 299); Tội chống loài người ( Điều 422); Tội phạm chiến tranh( Điều 423).
Việc Quốc hội thông qua quy định này được dư luận đánh giá tích cực, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Đây là một bước đi có trách nhiệm, phản ánh sự cân nhắc hài hòa giữa yêu cầu bảo vệ trật tự xã hội, ngăn ngừa tội phạm và bảo vệ quyền con người. Tuy nhiên, để bảo đảm tính hiệu quả, việc xóa bỏ án tử hình cần đi kèm với cơ chế thi hành án chặt chẽ, nâng cao hiệu quả điều tra và xét xử, cũng như tăng cường giáo dục pháp luật trong cộng đồng.