Cho vay tiền là một giao dịch dân sự khá phổ biến. Hai bên thường lập hợp đồng vay tài sản với nội dung thỏa thuận về khoản vay, lãi suất, thời hạn vay. Tuy nhiên, không ít trường hợp hết thời hạn vay mà bên vay không trả tiền đúng hạn thậm chí còn cố tình chây ỳ không trả. Do đó, để thu hồi được tài sản, bên cho vay thường sử dụng những biện pháp, thậm chí cả biện pháp tiêu cực như đưa hình ảnh lên mạng xã hội làm ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm của con nợ hoặc đe dọa, sử dụng vũ lực buộc trả nợ. Vậy, việc sử dụng hình ảnh người vay hoặc dùng vũ lực ép người vay trả nợ có vi phạm pháp luật hay không? Làm thế nào để đòi nợ cho đúng luật? Hãy cùng Công ty Luật TNHH Nguyễn Cảnh tìm hiểu quy định pháp luật đối với những hành vi trên qua bài viết dưới đây.
Pháp luật quy định như thế nào về giao dịch vay tiền?
Căn cứ, 463 BLDS 2015 quy định như sau:
“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Ngoài ra theo khoản 1 Điều 105 BLDS quy định về tài sản như sau: “1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.”
Từ những căn cứ pháp luật nêu trên thì vay tiền là sự thỏa thuận giữa các bên theo đó bên cho vay sẽ giao một khoản tiền cho bên vay và khi đến hạn theo thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật bên vay phải trả bên cho vay tiền lãi nếu có và tiền gốc. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người vay cố tình không trả khiến cho bên cho vay vô cùng khó khăn trong đòi nợ.
Đòi nợ thế nào cho đúng luật?
Khi đến hạn theo thỏa thuận nhưng người vay vẫn cố tình không trả, do đó có những trường hợp người cho vay một phần do nôn nóng muốn nhanh đòi lại tài sản, một phần do thiếu hiểu biết về pháp luật nên đã sử dụng những biện pháp như đưa thông tin, hình ảnh của người vay lên mạng xã hội hoặc thậm chí dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ép người vay trả nợ. Luật Nguyễn Cảnh sẽ phân tích ngắn gọn về các phương pháp đòi nợ này:
Trước hết, đối với hành vi đưa hình ảnh người vay lên mạng xã hội làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của người vay. Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 BLDS 2015 khi sử dụng hình ảnh của người khác phải được người đó đồng ý. Trường hợp khi sử dụng hình ảnh khi chưa được cho phép thì tùy vào mức độ hành vi mà người sử dụng hình ảnh bị xử phạt hành chính theo điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác, Tội vu khống, Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông được quy định tại Điều 115, 156, 288 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Thứ hai, đối hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực đối với người vay để ép buộc trả nợ là trái pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ hành vi người này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người nào cưỡng đoạt tài sản của người khác mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và buộc phải trả lại tài sản đã cưỡng đoạt được của người khác. Trường hợp vì quá tức giận muốn đòi nợ nhanh, chủ nợ đã thuê xã hội đen đến tận nhà người vay đập phá tài sản, tự ý lấy tài sản để bán trừ nợ, thuê người đánh đập con nợ, bắt giữ con nợ để ép họ trả tiền… Tuy nhiên, việc làm này không những không hiệu quả mà còn khiến họ có thể phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích, Hủy hoại tài sản hoặc Cố ý làm hư hỏng tài sản, Cưỡng đoạt tài sản…
Như vậy, để không vi phạm pháp luật, người cho vay không nên thực hiện các hành vi nêu trên, mà lúc này người cho vay có quyền khởi kiện yêu cầu người vay thực hiện nghĩa vụ trả tiền lãi và tiền gốc theo thỏa thuận. Theo Điều 466 BLDS 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, để tránh rủi ro và việc đòi nợ được thực hiện đúng quy định pháp luật thì khi hết thời hạn vay nếu người vay không đồng ý trả nợ thì bên cho vay nên khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền yêu cầu người vay thực hiện nghĩa vụ trả tiền.
Tuy nhiên, qua thực tiễn bảo vệ quyền lợi của khách hàng trong các tranh chấp hợp đồng vay tài sản, Luật Nguyễn Cảnh tổng hợp một số lưu ý để bạn đọc có thể tránh rủi ro khi cho người khác vay tiền:
1. Phải cân nhắc người vay có khả năng trả nợ cho mình không trước khi đồng ý cho vay: Khả năng trả nợ của người vay thể hiện qua các biểu hiện sau: Có thu nhập ổn định, có tài sản như nhà, xe. Bởi có rất nhiều trường hợp, mặc dù Tòa đã tuyên người vay phải hoàn trả gốc và lãi cho người cho vay, tuy nhiên lúc này người vay không có khả năng trả nợ nên người cho vay vẫn không thu hồi lại tài sản của mình.
2. Phải làm các văn bản khi giao tiền cho người vay: như hợp đồng vay, giấy vay tiền, biên lai chuyển tiền. Chú ý phải yêu cầu người vay xác nhận trong các văn bản này thông tin đã nhận đủ tiền, sau đó ký và ghi rõ họ tên.
3. Về thỏa thuận lãi suất: Mức lãi suất không vượt quá mức lãi suất giới hạn quy định tại Điều 468 Bộ Luật dân sự 2015 (tức 20%/ năm). Thực tế các giao dịch vay tài sản, mức lãi suất các bên thỏa thuận cao hơn quy định của Luật, tuy nhiên nếu xảy ra tranh chấp tòa chỉ chấp nhận mức lãi suất cao nhất là 20%/ năm nếu các bên có thỏa thuận lãi suất, 10% nếu các bên không thỏa thuận lãi suất. Một lưu ý nữa về lãi suất là hai bên không được thỏa thuận lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất quy định của BLDS ( tức là 100%/ năm) vì nếu vi phạm sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi quy định tại Điều 201 BLHS 2015.
Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật Nguyễn Cảnh về vấn đề “Đòi nợ thế nào cho đúng luật?”. Nếu Quý bạn đọc có bất kỳ vướng mắc về giao dịch vay tài sản cần tư vấn chuyên sâu vui lòng liên hệ với chúng tôi để được các chuyên gia pháp lý tư vấn chi tiết.