Trong đời sống vợ chồng thường khó tránh khỏi những tranh cãi, bất đồng quan điểm. Điều đó là nguyên nhân khiến cho tình cảm gia đình bị rạn nứt, dần trở nên xa cách. Nhiều cặp vợ chồng sẽ tìm giải pháp để hàn gắn tình cảm nhưng một số khác lại chọn cách ly thân hoặc ly hôn để giải thoát cho bản thân mình.

Những ngày gần đây, xuất hiện thuật ngữ khá mới mẻ, được dư luận quan tâm và tìm hiểu đó là “Thỏa thuận ly hôn bằng miệng”. Vậy thỏa thuận ly hôn bằng miệng là gì? Giá trị pháp lý như thế nào?

1. Thỏa thuận ly hôn bằng miệng là gì?

Thỏa thuận ly hôn bằng miệng là sự thỏa thuận của các cặp vợ chồng về các vấn đề như sống chung, ăn ở, con cái thậm chí là về tài sản khi không còn tình cảm, không thể tiếp tục cuộc sống hôn nhân, nhưng vì lý do nào đó họ chưa muốn yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn. Sau khi thỏa thuận thì các cặp vợ chồng này sẽ không còn sống chung, ăn ở cùng nhau nữa. Tuy nhiên, trên phương diện pháp luật thì họ vẫn là vợ chồng và được pháp luật thừa nhận, có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và Gia đình.

2. Giá trị pháp lý của thỏa thuận ly hôn bằng miệng?

Hiện nay, chưa có bất kỳ quy định công nhận tính pháp lý của thỏa thuận ly hôn “bằng miệng”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 213 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Do đó, để thỏa thuận ly hôn có giá trị pháp lý thì phải có đơn yêu cầu tòa án giải quyết thuận tình ly hôn, tòa án giải quyết thông qua việc ban hành quyết định công nhận thuận tình ly hôn, quyết định này sẽ có hiệu lực pháp luật ngay.

3. Được quyền có người mới khi đã thỏa thuận ly hôn không?

Một vấn đề nữa đặt ra là khi vợ chồng đã thỏa thuận ly hôn hoặc đang yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn thì thì vợ hoặc chồng có quyền được đến với người mới hay không? Vì trên thực tế vợ chồng đã không còn tình cảm, đã thỏa thuận chấm dứt quan hệ vợ chồng.

Theo quy định pháp luật để chấm dứt quan hệ vợ chồng thì phải có bản án, quyết định của tòa án. Vì vậy, mặc dù trên thực tế vợ chồng đã hết tình cảm, đã thỏa thuận toàn bộ các vấn đề về quan hệ hôn nhân, con chung, thậm chí là tài sản nhưng chưa có bản án, quyết định của tòa án thì về mặt pháp lý hôn nhân vẫn còn tồn tại. Nguyên tắc hôn nhân “một vợ, một chồng” luôn được pháp luật bảo vệ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 nghiêm cấm hành vi: “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”. Do đó, khi chưa có bản án, quyết định ly hôn của tòa án nhưng vợ hoặc chồng có người mới thì đã vi phạm quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình. Người đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ban hành ngày 15/07/2020, nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định hôn nhân một vợ một chồng theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Hoài Liêm