Trong hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam, thừa kế là một trong những chế định có vai trò quan trọng nhằm điều chỉnh việc chuyển giao tài sản giữa các thế hệ. Bên cạnh việc xác lập quyền hưởng di sản của người thừa kế, pháp luật cũng đặt ra một số giới hạn nhằm cân bằng giữa quyền cá nhân và lợi ích gia đình – xã hội. Một trong những quy định thể hiện rõ tinh thần này là Điều 661 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS năm 2015) về hạn chế phân chia di sản. Bài viết này sẽ phân tích nội dung, ý nghĩa và thực tiễn áp dụng của quy định nói trên.
1.Nội dung pháp lý của Điều 661 BLDS năm 2015
Điều 661 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hai tình huống cụ thể mà trong đó việc phân chia di sản thừa kế có thể bị hoãn lại:
1.1. Theo ý chí của người lập di chúc hoặc thỏa thuận của các thừa kế
“Trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.”
Đây là sự thừa nhận quyền tự định đoạt của người để lại di sản và quyền tự do thỏa thuận của tất cả những người thừa kế. Người lập di chúc có thể yêu cầu không phân chia di sản trong một thời gian cụ thể vì lý do kinh tế, xã hội hoặc gia đình. Ví dụ: bảo toàn khối tài sản chung, chờ người thừa kế đủ tuổi, hoặc sử dụng tài sản đó cho mục đích đầu tư.
Tương tự, những người thừa kế có thể cùng thống nhất chưa chia di sản vì muốn tiếp tục quản lý tài sản chung (như duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh). Ví dụ: Sau khi bà D qua đời, bà để lại một lô đất ở trung tâm thành phố được định giá rất cao. Bốn người con là đồng thừa kế hợp pháp. Thay vì chia ngay, các bên cùng ký một văn bản thỏa thuận chưa chia di sản trong vòng 05 năm, nhằm cùng đầu tư xây dựng tòa nhà cho thuê trên khu đất. Tòa án không can thiệp vì tất cả thừa kế đều đồng thuận, phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 661 BLDS2015. Sau thời hạn 5 năm, nếu một người yêu cầu chia, các thừa kế có thể thực hiện thủ tục chia di sản lúc đó. Như vậy, ý nghĩa của khoản 1 Điều luật này tạo điều kiện cho các bên linh hoạt khai thác tài sản hiệu quả mà không bắt buộc chia sớm.
1.2. Theo yêu cầu của người vợ hoặc chồng còn sống
“Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình…” Như vậy, có thể thấy theo quy định tại Điều 661 Bộ luật Dân sự 2015, việc hạn chế phân chia di sản chỉ đặt ra nếu việc phân chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình, theo chế định này hướng đến bảo vệ quyền lợi cho vợ hoặc chồng của người để lại di sản, không phải bất kỳ người thừa kế nào cũng được quyền yêu cầu hạn chế phân chia di sản.
Ví dụ: Anh A và chị B kết hôn với nhau và mua được ngôi nhà có diện tích 20m2. Sau khi sinh được một người con thì anh A bị chết và không để lại di chúc. Bố mẹ của anh A yêu cầu chia di sản do anh A để lại là phần nhà của anh A trong ngôi nhà này. Chị B và con không có chỗ ở nào khác, trong khi đó ngôi nhà này nếu chia bằng hiện vật thì không bảo đảm cho việc sinh hoạt tối thiểu của chị B và con; nếu buộc chị B phải thanh toán bằng tiền phần thừa kế mà bố mẹ anh A được hưởng thì chị B cũng không có khả năng. Trong trường hợp này việc chia di sản thừa kế phần nhà của anh A trong ngôi nhà có diện tích 20m2 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của chị B và con.
Trong tình huống này:
+ Người còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản của các thừa kế nhưng chưa thực hiện việc chia.
+ Thời hạn hoãn chia tối đa là 03 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.
+ Nếu sau 03 năm, người còn sống vẫn chứng minh được việc chia di sản sẽ tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, họ có thể yêu cầu gia hạn một lần, thêm tối đa 03 năm nữa.
2. Các luật chuyên ngành quy định về vấn đề hạn chế phân chia di sản
Quy định về hạn chế phân chia di sản được cụ thể hóa thông qua các quy định liên quan đến việc giải quyết tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp một bên qua đời hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết. Cụ thể, khoản 3 Điều 66 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định rằng: vợ hoặc chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quá trình phân chia di sản nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt thiết yếu của bản thân. Quy định này mang tính chất bảo vệ, cho phép trì hoãn việc chia di sản trong trường hợp việc chia sẽ gây thiệt hại đáng kể đến đời sống của người vợ hoặc chồng còn sống và gia đình.
Ngoài ra, theo hướng dẫn tại Điều 5 của Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP ban hành ngày 16/5/2024, nếu việc phân chia di sản của người đã mất có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống và gia đình, thì người này có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phương thức phân chia. Các khó khăn có thể bao gồm nguy cơ mất nơi ở duy nhất, mất tư liệu sản xuất, hoặc rơi vào tình trạng khẩn cấp trong đời sống thường nhật. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng và đảm bảo sự ổn định tối thiểu về kinh tế – xã hội cho người thân còn sống.
Như vậy, trong trường hợp người chồng hoặc người vợ để lại di sản là nơi cư trú duy nhất của gia đình, và việc chia di sản khiến vợ, chồng hoặc con cái không còn nơi ở, thì đây được xem là tình huống có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống. Khi đó, người vợ hoặc chồng còn sống có thể viện dẫn các quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật chuyên ngành để yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp hạn chế phân chia di sản.
3. Ý nghĩa pháp lý và nhân văn của quy định hạn chế phân chia di sản
Bảo vệ quyền tự định đoạt tài sản: Quy định này tôn trọng ý chí cá nhân của người lập di chúc, một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Việc xác định thời điểm chia di sản là quyền gắn liền với quyền sở hữu.
Đảm bảo sự ổn định đời sống gia đình: Việc cho phép trì hoãn chia di sản trong trường hợp ảnh hưởng nghiêm trọng đến người vợ hoặc chồng còn sống cho thấy tinh thần nhân văn của pháp luật, đặt con người làm trung tâm trong các quan hệ pháp lý.
Tạo điều kiện ổn định tài sản chung: Nhiều di sản là bất động sản đang được sử dụng làm nơi ở hoặc tài sản phục vụ sản xuất. Việc chia tách ngay có thể gây tổn hại đến giá trị tài sản hoặc tạo mâu thuẫn. Điều 661 BLDS 2015 giúp các bên có thời gian chuẩn bị, thương lượng và đạt được sự đồng thuận phù hợp.
Từ những phân tích trên, có thể thấy Điều 661 Bộ luật Dân sự 2015 là một quy định có tính linh hoạt và nhân văn, giúp điều hòa giữa quyền thừa kế và nhu cầu bảo vệ đời sống người thân còn sống. Tuy nhiên, để quy định này được áp dụng hiệu quả, cần tăng cường cơ chế hỗ trợ pháp lý cho các bên liên quan như khuyến khích hòa giải, tư vấn pháp lý gia đình để giảm thiểu xung đột.