Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người sử dụng đất đã được Nhà nước trao quyền sử dụng đất để thực hiện những dự án vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng nhằm phát triển kinh tế – xã hội hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai… khi việc thu hồi đất làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức thì cá nhân, tổ chức đó có quyền khởi kiện. Trong phạm vi bài viết, Công ty Luật Nguyễn Cảnh sẽ hướng dẫn bạn đọc quy định pháp luật về thủ tục khởi kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực thu hồi, bồi thường đất đối với trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
1. Căn cứ khởi kiện
Theo khoản 1, 2 Điều 3 Luật Tố tụng Hành chính quy định như sau:
“1. Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
2. Quyết định hành chính bị kiện là quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà quyết định đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”
Khi cá nhân, tổ chức bị nhà nước thu hồi đất có quyền khởi kiện quyết định thu hồi hoặc Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư nếu có căn cứ cho rằng việc thu hồi là không đúng quy định xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình ví dụ thuộc một trong những trường hợp thường gặp như sau:Thuộc trường hợp được tái định cư nhưng không được hưởng tái định cư; Không đồng ý với giá đất bồi thường; Có căn cứ cho rằng việc thu hồi đất không đúng mục đích theo quy định như: Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (Điều 61 Luật Đất đai 2013); Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 62 Luật Đất đai 2013); Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai (Điều 64 Luật Đất đai 2013); Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người (Điều 65 Luật Đất đai 2013); …
2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết
Xét về thẩm quyền ra Quyết định thu hồi đất, Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư căn cứ Điều 66 Luật Đất đai 2013 thì tùy trường hợp thu hồi, thẩm quyền ra quyết định có thể thuộc về Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Việc quyết định thu hồi đất, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định như sau: UBND cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 66 của Luật Đất đai năm 2013 quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày. Căn cứ Khoản 1 Điều 31 và Khoản 3, 4 Điều 32 Luật Tố tụng Hành chính 2015 thì Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm khiếu kiện hành chính về bồi thường khi thu hồi đất.
Tòa án cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây: Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh: Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
Như vậy, Tòa án nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện Quyết định thu hồi đất hoặc Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư định hành chính.
3. Thời hiệu khởi kiện
Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện đối với quyết định thu hồi đất được quy định tại điểm a khoản 2; khoản 3 Điều 116 Luật Tố tụng Hành chính 2015 như sau:
“a) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
…Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện được quy định như sau:
a) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
b) 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.”
Như vậy, thời hiệu khởi kiện đối với Quyết định thu hồi đất, Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 01 năm kể từ ngày tổ chức, cá nhân nhận được quyết định. Trường hợp tổ chức, cá nhân có khiếu nại theo đúng quy định pháp luật đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thời hiệu khởi kiện được quy định: 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.
Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.
4. Hồ sơ khởi kiện
Khi gửi Đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm gửi kèm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Các tài liệu, chứng cứ khác, người khởi kiện phải tự mình bổ sung hoặc bổ sung theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
Thành phần hồ sơ gồm:
+ Đơn khởi kiện;
+ Cam kết của người khởi kiện không khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại;
+ Bản sao quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư;
+ Bản sao các quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có);
+ Tài liệu chứng minh sự sai phạm, chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất bị xâm phạm;
+ Tài liệu chứng cứ khác như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy tờ chứng minh nguồn gốc sử dụng đất; Sổ mục kê; Sổ đăng ký ruộng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; biên lai thuế…
Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật Nguyễn Cảnh liên quan đến thủ tục khởi kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực thu hồi đất. Nếu vẫn còn vấn đề vướng mắc liên quan đến lĩnh vực thu hồi đất, bạn đọc có thể liên hệ với chúng tôi để được các chuyên gia pháp lý tư vấn chi tiết.