Vay tiền là giao dịch không còn xa lạ trong cuộc sống thường ngày đối với mỗi chúng ta. Hoạt động vay tiền phổ biến nhất thường gặp là thế chấp tại tổ chức tín dụng, vay tiền giữa cá nhân thông qua hợp đồng vay tài sản, điểm chung của hai giao dịch này là đều được lập thành văn bản thậm chí là được công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là giữa những cá nhân cho vay tiền nhưng không lập thành văn bản, giao dịch cho vay chỉ thông qua hình thức bằng miệng có giá trị pháp lý sẽ như thế nào?
Khái niệm cho vay tiền bằng miệng?
Quan hệ cho vay tiền bằng miệng thông thường là giữa các cá nhân với nhau, và giữa những cá nhân này đều có mối quan hệ tin tưởng, quen biết. Vì là thân tình, tin tưởng lẫn nhau nên việc vay tiền và giao nhận tiền được thực hiện thông qua hình thức bằng miệng, các bên không tiến hành ký kết hợp đồng. Ưu điểm của hình thức giao dịch này là dễ thực hiện, nhanh chóng, tiện lợi. Tuy nhiên, khi đến hạn người vay không đồng ý trả thì rất khó để chứng minh giữa các bên có tồn tại quan hệ cho vay hay không? vì tất cả thỏa thuận chỉ được thực hiện bằng miệng mà không được lập thành văn bản.
Giá trị pháp lý của giao dịch cho vay tiền bằng miệng?
Pháp luật không quy định chi tiết về hợp đồng cho vay tiền, tuy nhiên tiền là tài sản được quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản”. Như vậy, giao dịch về cho vay tiền bản chất là giao dịch cho vay tài sản.
Căn cứ Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định”. Theo quy định trên thì pháp luật không bắt buộc hợp đồng vay tài sản phải được lập thành văn bản.
Như vậy, nếu hợp đồng vay tiền chỉ thỏa thuận miệng nhưng đáp ứng đủ các điều kiện như năng lực hành vi, tính tự nguyện và mục đích của các bên tham gia giao dịch theo khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng vay tiền bằng miệng vẫn có hiệu lực theo quy định pháp luật. Theo đó, bên vay và bên cho vay cũng có các quyền và nghĩa vụ tương ứng đối với loại hợp đồng mà mình đã xác lập.
Khi người vay không trả tiền có đòi lại được không?
Như đã phân tích, dưới góc độ pháp lý, trừ khi có thỏa thuận khác; bên vay tiền phải có nghĩa vụ “trả đủ tiền khi đến hạn” theo quy định tại khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015. Trong trường hợp hai bên có quan hệ vay nợ lẫn nhau và các bên không thỏa thuận được thời gian, thời hạn trả nợ cũng như số nợ, số lãi phải trả hoặc người vay không chịu trả tiền thì người cho vay có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để đòi lại số tiền đã cho vay.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 70 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, một trong những nghĩa vụ của nguyên đơn là cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, trong thực tế khi hai bên thỏa thuận cho vay tiền chỉ thực hiện bằng lời nói không lập hợp đồng bằng văn bản nên để chứng minh việc đã cho vay gặp nhiều khó khăn. Không ít những trường hợp không thể chứng minh được giao dịch giữa bên vay và bên cho vay; hay tranh chấp về số tiền vay bởi không có chứng cứ; không có bất kì phương tiện nào ghi nhận giao dịch này. Với những trường hợp như vậy, Tòa án nhân dân có thẩm quyền có thể không thụ lý giải quyết và trả lại hồ sơ khởi kiện. Hậu quả là người cho vay không thể đòi lại tài sản đã cho vay.
Mặc dù pháp luật không quy định và bắt buộc khi cho vay tiền phải thực hiện hợp đồng và phải được lập thành văn bản. Tuy nhiên, để tránh những rủi ro xảy ra, trước khi cho vay tiền thì người cho vay cần phải tìm hiểu kỹ, đồng thời lập các giấy tờ văn bản cần thiết như giấy giao nhận tiền, thời hạn vay, hình thức trả như thế nào… Công ty Luật Nguyễn Cảnh khuyến cáo bạn đọc khi giao kết hợp đồng vay tiền bằng miệng thì cần lưu ý thêm những điều sau:
-Việc giao kết hợp đồng vay tiền bằng miệng nên có người làm chứng;
– Lưu giữ bằng chứng xác lập giao dịch bằng các file ghi âm, ghi hình;
– Chuyển giao tiền cho vay qua ngân hàng.
Khi xảy ra những tranh chấp thì những giấy tờ, bằng chứng trên sẽ là căn cứ pháp lý vững chắc để bổ sung hồ sơ khởi kiện vụ việc ra Tòa nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người cho vay tiền.
Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật Nguyễn Cảnh về “Giá trị pháp lý khi cho vay tiền bằng miệng” vẫn tồn tại trong thực tiễn. Hy vọng qua bài viết sẽ giúp cho bạn đọc có thêm những lưu ý và hạn chế những rủi ro không đáng có khi thực hiện các giao dịch cho vay tiền trong thực tế.
Đàm Hách