Sắp tới, Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú, Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân, Thẻ Bảo hiểm y tế, Sổ Bảo hiểm xã hội, Giấy đăng ký kết hôn là những loại giấy tờ hành chính quan trọng không còn sử dụng nữa và sẽ thay thế bằng dữ liệu điện tử.

  1. Sổ hộ khẩu

Theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020, kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành (từ 01/7/2021), sổ hộ khẩu (SHK), sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31/12/2022.

Như vậy, bắt đầu từ 01/01/2023, sau 64 năm gắn bó với nhiều hộ gia đình thì SHK/ sổ tạm trú bằng giấy sẽ chính thức bị “khai tử”, không còn giá trị sử dụng. Mặc dù bỏ SHK giấy nhưng Nhà nước vẫn duy trì quản lý hộ khẩu, chỉ là thay thế hình thức quản lý từ cuốn sổ bằng giấy sang phần mềm công nghệ thông tin hiện đại hơn, hiệu quả hơn. Đây cũng là một bước tiến quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính.

  1. Sổ tạm trú

Từ ngày 01/01/2023, SHK/sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Tuy nhiên, người dân vẫn cần phải làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú như trước đây. Khi đăng ký thường trú/tạm trú, thay vì được cấp một cuốn SHK/sổ tạm trú bằng giấy như lâu nay, công dân sẽ được cập nhật thông tin lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.

Điều này có nghĩa là năm 2022 cũng là năm cuối cùng SHK/sổ tạm trú còn tồn tại và được sử dụng trong các thủ tục hành chính, các giao dịch cần thiết.

  1. Thẻ Bảo hiểm y tế giấy

Ngày 31/5/2021, BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 1493/BHXH-CSYT về việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID – BHXH số để khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc từ ngày 01/6/2021.

Ngày 16/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã công bố ứng dụng “VssID – Bảo hiểm xã hội số” trên nền tảng thiết bị di động. Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng chỉ đạo BHXH Việt Nam phối hợp Bộ Y tế nghiên cứu triển khai đầy đủ thẻ BHYT trên ứng dụng Vss-ID vừa bảo đảm tiện ích, vừa phải bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam đã từng bước hoàn thiện các chức năng của Vss-ID và chỉ đạo BHXH các tỉnh tổ chức triển khai đẩy mạnh việc ứng dụng BHXH số (Vss-ID) trên phạm vi cả nước. Qua việc thí điểm sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng Vss-ID tại 10 địa phương bị ảnh hưởng lũ lụt trong thời gian vừa qua đã mang lại sự tiện lợi cho người tham gia BHYT và cơ sở KCB. Bên cạnh đó, tính bảo mật, an toàn khi sử dụng vẫn được đảm bảo, hạn chế được tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Như vậy, kể từ thời điểm 01/6/2021, ứng dụng VssID chính thức thay thế cho thẻ BHYT giấy, tuy nhiên với những người không cài ứng dụng này thì vẫn có thể sử dụng thẻ BHYT giấy để đi khám, chữa bệnh trước đây.

  1. Sổ Bảo hiểm xã hội

Với việc ra mắt ứng dụng Bảo hiểm xã hội số VssID là một nỗ lực đáng khích lệ của ngành bảo hiểm, nhằm minh bạch các thông tin liên quan đến BHXH, BHYT cũng như giảm bớt giấy tờ, thủ tục. Người dân chỉ cần truy cập ứng dụng này có thể nắm được mọi được mọi thông tin như trong Sổ bảo hiểm xã hội.

Ngoài VssID, người dân cũng có thể tra cứu quá trình tham gia BHXH thông tin website của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

  1. Giấy khai sinh (bản giấy)

Thông tư số 01/2022/TT-BTP của Bộ Tư pháp ngày 4/1/2022 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến, có hiệu lực từ ngày 18/2/2022. Trong đó, điểm a khoản 2 Điều 9 của Thông tư này quy định:

“Bản điện tử giấy tờ hộ tịch có giá trị sử dụng như giấy tờ hộ tịch bản giấy trong các giao dịch, thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến; có giá trị thay thế các giấy tờ hộ tịch bản giấy khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch”

Ngoài ra, khoản 6 Điều 12 Nghị định 87/2020/NĐ-CP cũng quy định:

“Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chấp nhận, sử dụng, không được yêu cầu cá nhân phải nộp hoặc xuất trình giấy tờ hộ tịch để đối chiếu.”

Như vậy, công dân khi làm các thủ tục hành chính không cần mang giấy khai sinh bản giấy mà dùng dữ liệu điện tử, có mã QR. Đặc biệt, mã QR trên bản điện tử giấy tờ hộ tịch dẫn tới dữ liệu, định dạng hình ảnh giấy tờ hộ tịch trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, có giá trị cung cấp thông tin về tính chính xác, hợp lệ. Người yêu cầu đăng ký hộ tịch nộp, xuất trình có thể kiểm tra tính chính xác, thời hạn sử dụng, thông tin cập nhật thông qua mã QR trên bản điện tử của giấy tờ đó.

Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến sẽ truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh để đăng ký tài khoản, và được nhận kết quả bằng một trong các phương thức sau: Nhận bản điện tử giấy tờ hộ tịch gửi qua email hoặc kho quản lý dữ liệu điện tử của mình; nhận bản điện tử giấy tờ hộ tịch gửi vào thiết bị số, thông qua phương pháp truyền số liệu phù hợp…

  1. Giấy chứng nhận kết hôn (bản giấy)

Tương tự như bản điện tử của Giấy khai sinh, tại Thông tư 01/2022/TT-BTP, Bộ Tư pháp cũng ban hành bản điện tử của Giấy chứng nhận kết hôn. Bản điện tử này cũng có giá trị sử dụng thay thế cho Giấy chứng nhận kết hôn bản giấy.

Tức là, kể từ ngày 18/02/2022, công dân khi đi làm các thủ tục hành chính, các giao dịch cần sử dụng Giấy chứng nhận kết hôn thì người dân không cần mang theo Giấy đăng ký kết hôn bản giấy mà có thể sử dụng bản điện tử, có mã QR.

Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến và nhận kết quả bằng các phương thức tương tự như bản điện tử Giấy khai sinh.

  1. Giấy chứng minh nhân dân

Giấy Chứng minh nhân dân (CMND) vốn là loại giấy tờ tùy thân quan trọng đối với mỗi người dân. Tuy nhiên, từ năm 2021, Bộ Công an đã triển khai cấp Căn cước công dân gắn chip trên cả nước thay vì cấp Chứng minh nhân dân như trước đây.

Theo Thông tư 04/1999/TT-BCA hướng dẫn Nghị định 05/1999/NĐ-CP về CMND, CMND có thời hạn sử dụng là 15 năm. Theo khoản 2 Điều 38 Luật Căn cước công dân 2014 thì CMND đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.

Như vậy, những Giấy Chứng minh nhân dân được cấp vào năm 2020 sẽ có thời hạn sử dụng đến năm 2035. Từ năm 2036 trở đi, tất cả Giấy chứng minh nhân sẽ không còn giá trị sử dụng mà hoàn toàn được thay thế bởi thẻ Căn cước công dân gắn chip.